Văn hóa không hối lộ
Sơ hở, mập mờ mở lối cho tham nhũng
Chủ trì phiên họp đầu tiên của hội thảo, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Mai Quốc Bình nhấn mạnh, chủ đề chính của cuộc hội thảo lần này là bàn cách làm sao để xây dựng "văn hóa không hối lộ". Các nội dung thảo luận xoay quanh vấn đề cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.
Theo kết quả một cuộc điều tra 6.700 doanh nghiệp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cách đây chưa lâu, việc các doanh nghiệp phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức khá phổ biến. Hơn 68% doanh nghiệp dân doanh thừa nhận điều này.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ cho rằng, bộ máy nhiều tầng nấc, dẫn đến quy trình giải quyết phức tạp, không rõ ràng, minh bạch đã tạo cơ hội cho CBCC kém phẩm chất lợi dụng để thu lợi.
Những quy định về quản lý tài chính, tài sản công, quản lý đất đai thiếu rõ ràng là ý kiến của Thạc sĩ Lê Văn Lân, Phó Vụ trưởng Vụ nghiên cứu tổng hợp - quan hệ quốc tế, Văn phòng Ban chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng. Chính vì vậy, theo ông Lân, trong quá trình thực hiện rất khó phân biệt đúng sai và khó nhận ra những hành vi lợi dụng sơ hở, mập mờ của những qui định đó để tham nhũng.
Bên cạnh đó, các thủ tục trình báo về hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi tham nhũng lại chưa thật đơn giản, chưa thuận tiện nên cũng chưa khuyến khích được người dân tích cực tố giác tội phạm.
Đặc biệt, khi các cơ quan chức năng PCTN vào cuộc thì nhiệm vụ của nhiều cơ quan chức năng lại đang có những "vùng chồng lấn", nhất là cơ quan thanh tra và kiểm toán nhà nước.
Quan hệ giữa cơ quan thanh tra với các cơ quan, tổ chức, đơn vị được thanh tra cũng có những vấn đề chưa hợp lý nên không ít kết luận và kiến nghị của cơ quan thanh tra không được thực hiện.
TS Ngô Hải Phan, Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng thì cho rằng, trong không ít trường hợp, thực hiện cải cách thủ tục hành chính là tự cắt bỏ quyền và lợi ích do thủ tục hành chính hiện hành mang lại nên đã gặp phải sự không đồng thuận từ phía một bộ phận cán bộ, công chức nhà nước.
Cần mở rộng công khai
Ông Đinh Văn Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra cho rằng, một nền hành chính lành mạnh phải được thể hiện qua các yếu tố "công". Đó là công ích trong mục tiêu, công khai minh bạch trong phương thức hoạt động và được thực hiện bởi đội ngũ công chức công tâm, tận tụy trong quá trình thực hiện công vụ. Một nền hành chính như vậy mới có sức đề kháng cao, đủ chống lại sự gặm nhấm của tệ tham nhũng. Vì thế, trước mắt cũng như lâu dài, một trong những trụ cột của PCTN là cải cách hành chính phải luôn được đẩy mạnh.
Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, ông Trần Đức Lượng nhìn nhận, việc minh bạch trong hoạt động của chính quyền trong khu vực công và toàn thể xã hội sẽ hạn chế cơ hội hối lộ cũng như bất kỳ một hình thức tham nhũng nào khác.
Cần công khai, minh bạch các hoạt động mua sắm công, xây dựng cơ bản, tài chính ngân sách, quản lý doanh nghiệp, quản lý sử dụng nhà đất... là những giải pháp cụ thể đựơc ông Lê Văn Lân đóng góp. Thêm nữa, theo ông Lân cần xem xét sửa đổi các danh mục bí mật nhà nước nhằm mở rộng công khai, đồng thời ban hành Luật bảo đảm quyền được thông tin của công dân.
Cũng theo ông Lân, cần phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chủ trì thực hiện cải cách hành chính với các cơ quan chức năng PCTN, ưu tiên cải cách hành chính trong các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý đội ngũ cán bộ công chức.